Hệ thống mang nhiều ý nghĩa kinh tế - xã hội
Hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung (gọi tắt là hệ thống thu gom xử lý nước) trên thành phố Đà Lạt do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước (CTCTN) Lâm Đồng quản lý vận hành. Hệ thống thu gom xử lý nước bao gồm mạng lưới cống, đường ống thu gom và chuyển tải nước thải, trạm bơm nước thải, nhà máy xử lý, cửa xả... và các công trình phụ trợ khác nhằm mục đích thu gom, tiêu thoát và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố. Hệ thống gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 do Vương quốc Đan Mạch tài trợ, gồm 130 km đường ống D100-500, một trạm bơm chính, 7 trạm bơm nâng và nhà máy xử lý công suất thiết kế 7.400 m3/ngày đêm, thu gom nước thải sinh hoạt Phường 1, 2 và một phần phường 5, 6, 8. Giai đoạn 2, xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý thuộc dự án phát triển cấp nước và nước thải đô thị Việt Nam (Cr.4948-VN), vốn vay WB, gồm 63 km đường ống D100-600, xây dựng 6 trạm bơm nâng, cải tạo nhà máy xử lý từ 7.400 m3/ngày đêm lên 12.400 m3/ngày đêm, mở rộng phạm vi thu gom nước thải đến các Phường 3, 4, 7, 9, 10.
Hệ thống đem lại nhiều ý nghĩa như: Cải thiện điều kiện sống của người dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ hiện chưa có hoặc có nhưng đã yếu kém hay xuống cấp; cải thiện sức khỏe, tăng năng suất lao động người dân; góp phần phát triển kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo việc làm cho lao động phổ thông... Theo CTCTN, số người được hưởng lợi từ hệ thống ước khoảng hơn 97.100 người (theo quy hoạch đến năm 2020).
Thông tin CTCTN cho biết, đến tháng 12/2020, số hộ đấu nối là 8.346 hộ. Công ty đã vận hành 193 km đường ống D100-600, 14 trạm bơm nâng, 1 trạm bơm chính, 1 nhà máy xử lý với công suất thiết kế 12.400 m3/ngày đêm. Năm 2020, Công ty đã quản lý và vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải ổn định, khắc phục các sự cố trong quá trình hoạt động, nhà máy xử lý vận hành với công suất bình quân 7.836 m3/ngày đêm.
Giải pháp khắc phục tồn tại - Xem thêm hệ thống xử lý nước thải cho Homestay, nhà hàng, khách sạn tại Đà Lạt
Lãnh đạo CTCTN Lâm Đồng, Tổng Giám đốc Nguyễn Hùng Cường cho biết, với trên 14 năm vận hành, các máy móc thiết bị thường xuyên xảy ra sự cố, đặc biệt là các máy bơm chìm thường xuyên cháy động cơ. Công ty đã khắc phục, sửa chữa nhiều lần nên phát sinh nguồn kinh phí rất lớn. Hiện có 2 vấn đề đang tồn tại là: chưa lắp đặt hệ thống lấy mẫu tự động, camera giám sát và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); thông số Amôni (tính theo N) tại đầu ra nhà máy xử lý nước thải vượt quy chuẩn cho phép. Cách đây 2 năm, phía CTCTN nhiều lần trình văn bản báo cáo cấp thẩm quyền xem xét để bố trí ngân sách nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Do tồn tại 2 vấn đề trên, hiện Dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP Đà Lạt chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Chúng tôi trao đổi với lãnh đạo Sở TN&MT vấn đề này, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Trãi cho biết: “Việc kết nối online về quan trắc với Sở và Bộ TN&MT khi chất lượng nước đầu ra không đạt chuẩn sẽ có báo động đỏ. Các Thông tư và Luật đều nêu yêu cầu buộc phải thực hiện online quan trắc. Nếu không, căn cứ vào Nghị định 155 sẽ xử phạt vi phạm”.
Trong Văn bản số 24 báo cáo Sở Xây dựng ngày 21/1/2021 để tham mưu UBND tỉnh, về trang bị mới các máy bơm nước thải và một số máy móc thiết bị nhằm đảm bảo công tác vận hành hệ thống xử lý nước thải ổn định, CTCTN Lâm Đồng đề xuất cấp kinh phí trên 14,2 tỷ đồng, chia ra từng quý và trong 4 năm (2021-2024).
Tháo gỡ tồn tại về đấu nối từ các hộ (Giải pháp tách dầu mỡ tại chỗ, trách tắc nghẽn đường ống, bảo vệ môi trường)
Thiết kế của hệ thống thu gom xử lý nước TP Đà Lạt có 18.600 “hộ thoát nước” được đấu nối. Đến nay, thực tế chỉ mới 8.346 hộ thực hiện hợp đồng đấu nối, nghĩa là chưa đạt 50%. Được biết, thời gian qua, CTCTN đã tích cực phối hợp với các phường tuyên truyền, vận động bằng phát tờ rơi truyền thông (gần 19.000 tờ). Mặt khác, triển khai khảo sát thực địa, phát mẫu đơn, tư vấn thủ tục cho các hộ và trả lời cụ thể về chiết tính lắp đặt cho một số cử tri... Khó khăn nữa là hiện một số đường ống thu ngang qua các “hộ thoát nước” chưa thực hiện được. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung trao đổi với chúng tôi: “Để tránh lãng phí dự án, CTCTN Lâm Đồng cần có văn bản báo cáo tình hình với UBND tỉnh. Trên cơ sở này, rất cần chi một khoản từ ngân sách địa phương để tiếp tục thi công hệ thống đường thu ngang theo như thiết kế ban đầu của dự án. Phần đấu nối từ các hộ được thụ hưởng phải tự bỏ kinh phí để đầu tư”. Đây là ý kiến phù hợp khi nguồn vốn dự án đã chấm dứt, để tiếp tục phát huy hiệu quả, phải xã hội hóa từ phía đối tượng thụ hưởng dịch vụ.
Thực sự khó khăn để đạt công suất của hệ thống thu gom xử lý nước thải như thiết kế. Đúng như Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Trãi nhận xét: Việc thu gom đang rất khó khăn và đầu vào không đủ thì đầu ra làm sao đạt được công suất 12.400 m3! Ông Trãi cho rằng, Công ty cần khảo sát tỉ lệ đấu nối và có báo cáo với UBND thành phố, và UBND thành phố phải có biện pháp quản lý. “Theo Luật Bảo vệ môi trường, nếu ai không chấp hành thì xử lý bằng biện pháp chế tài”, ông Trãi nói. Tại Quyết định số 26 của UBND tỉnh và Nghị định 80/2014 của Chính phủ đã cụ thể những nội dung về quyền lợi, nghĩa vụ, chính sách hỗ trợ đấu nối... đối với “hộ thoát nước”. Trong đó, “Hộ thoát nước tự chịu kinh phí đầu tư xây dựng và quản lý công trình thoát nước thải trong phạm vi công trình, nhà ở của mình đến hộp đấu nối (bao gồm đường ống thoát nước, đồng hồ đo lưu lượng nước thải...), khoản 3 Điều 14, Quy định kèm theo Quyết định 26.
Chiều ngày 14/4, sau nhiều lần hẹn, chúng tôi có cuộc tiếp xúc nhanh với lãnh đạo UBND TP Đà Lạt. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, theo Văn bản của UBND tỉnh (số 4402/UBND-TH3, ngày 18/7/2019-P.M.Đ), hệ thống thu gom và xử lý nước thải sẽ chuyển cho thành phố vận hành quản lý, hiện chưa bàn giao nên chưa nắm rõ tình hình cụ thể. Chúng tôi trao đổi vấn đề thu gom từ các hộ theo Quyết định 26/2016/QĐ-UBND ngày 6/4/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng “Ban hành Quy định về quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” với ông Nguyễn Văn Sơn được ông cho biết: “Căn cứ vào Quy định này, bên quản lý vận hành làm văn bản báo cáo thống kê cụ thể, trong khu vực này trường hợp nào không thể đấu nối, lý do không đấu nối; trường hợp nào đủ điều kiện mà không đấu nối thì đề nghị lên chính quyền để xử phạt theo quy định”.
Ông Nguyễn Hùng Cường cho biết, trước đây, CTCTN đã có Tờ trình số 238/TTr-CTN gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị có sự chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND TP Đà Lạt về việc vận động các “hộ thoát nước” đấu nối vào hệ thống thoát nước thải của thành phố. Sau đó, UBND tỉnh có Văn bản số 3445 gửi Sở Xây dựng, UBND TP Đà Lạt và CTCTN tiến hành đẩy nhanh tiến độ đấu nối theo các quy định; đặc biệt là Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND tỉnh ngày 6/4/2016. Theo đó, giao UBND TP Đà Lạt phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân.
Chúng tôi kết thúc loạt bài này rằng, việc đấu nối từ các “hộ thoát nước” là lợi ích kép: tránh lãng phí một dự án, đảm bảo công suất thiết kế như mục tiêu dự án; góp phần quan trọng xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, đô thị nông thôn mới; góp phần thu hút và phát triển du lịch... Thực hiện đấu nối vừa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, vừa đạt mục tiêu tính công bằng, nhất là giữa các hộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hành lang pháp lý đã có, việc còn lại là các sở, ngành cùng chính quyền TP Đà Lạt và các “hộ thoát nước” sớm phối hợp thực hiện.
TS.PHAN MINH ĐẠO - ThS NGUYỄN HỮU TUYÊN 2011 / ZALO 0942226986