Xử lý nước thải là mảng chiến lược mà Tập đoàn Sơn Hà đang theo đuổi. Năm 2019 tập đoàn đã thành lập một công ty con chuyên về xử lý nước thải, công ty SHWE, với công nghệ xử lý hiện đại được chuyển giao từ thành phố Gyeongju – Hàn Quốc.
Chia sẻ lý do vệ việc lựa chọn lĩnh vực “khó nhằn” này, doanh nhân Lê Vĩnh Sơn – Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà – cho biết ông hoàn toàn có thể lựa chọn một số ngành nghề “dễ ăn” như bất động sản, khai thác tài nguyên, nhưng quan điểm của Sơn Hà vẫn luôn nhất quán là “làm gì thì làm nhưng chặt cây phá rừng, đào mỏ là chúng tôi không làm. Chúng tôi muốn chọn phương án khó khăn hơn là xử lý môi trường.”
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà. |
Tuy nhiên, vị doanh nhân này cho rằng hành lang pháp lý hiện nay chưa đầy đủ. Chẳng hạn như không có quy định rõ ràng một khu đô thị phải có hệ thống xử lý nước thải như thế nào.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình ở những vùng không có quy hoạch trong khu đô thị nhưng là quy hoạch đất ở vẫn cứ xả thải vô tư.
Sơn Hà hiện nay tiếp nhận hai công nghệ xử lý nước thải, là công nghệ xử lý nước thải tập trung từ Hàn Quốc, và công nghệ thiết bị xử lý nước thải Johkasou (Nhật Bản).
Cả hai đều là những công nghệ xử lý nước thải tại nguồn. Với công nghệ hiện có, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà khẳng định “không khó để có được giải pháp giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch”.
“Bây giờ chỗ nào gom được vào thì gom để xử lý nước thải tập trung. Với những chỗ phân tán, cứ lắp mỗi nhà một thiết bị Johkasou thì tự nhiên sẽ không có một giọt nước thải nào chảy ra sông Tô Lịch” – ông Lê Vĩnh Sơn nói. “Tất nhiên việc làm này không đơn giản vì không dễ để có thể lắp đặt, nhưng đấy là giải pháp để cuối cùng nước ra đến sông Tô Lịch là trong veo.”
Bình luận về hoạt động thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch của các chuyên gia Nhật Bản thời gian gần đây, ông Lê Vĩnh Sơn cho rằng cách làm đó không thể giải quyết được triệt để vì mới chỉ làm phần ngọn, trong khi nước thải vẫn tiếp tục từ đầu nguồn đổ ra.
Sông Tô Lịch sau khi được xả nước từ hồ Tây. |
Khi được hỏi, với tư cách là Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, vì sao ông không nêu việc này tại các kỳ họp HĐND, ông Lê Vĩnh Sơn thẳng thắn nói: “Nếu tôi nêu chuyện này ra, người ta suy diễn ngay. Họ sẽ nói mấy ông doanh nghiệp này ma cô lắm, chỉ rình để đưa sản phẩm vào rồi lobby chính sách. Đó là một việc rất nhạy cảm nên tôi không làm”.
Tuy nhiên, ông Sơn bày tỏ hy vọng lâu dần sẽ có nhiều người dân quan tâm hơn đến những sản phẩm mang tính giải pháp. Chẳng hạn hiện nay, mỗi tháng Sơn Hà bán được hơn 1 vạn sản phẩm Thái Dương Năng lắp trên mái nhà dân là tín hiệu cho thấy người dân đã quan tâm hơn đến những sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng.
“Người dân cũng chẳng tính toán bao giờ mới thu hồi lại được vốn, nhưng họ có suy nghĩ rằng đã tham gia vào việc tiết kiệm điện, là trách nhiệm với môi trường”.
Theo ông Sơn, việc mỗi hộ gia đình lắp đặt một bể Septic hoặc bể Johkasou là điều nên làm, nhưng nếu nhà nước hỗ trợ phần nào cho người dân thì sẽ rút ngắn được lộ trình.
Được biết, công nghệ xử lý nước thải của Sơn Hà được chuyển giao từ thành phố Gyeongju – Hàn Quốc là công nghệ mới với ngay cả Hàn Quốc.
Công nghệ này cho phép xử lý nước thải bằng vi sinh hoặc hóa sinh với hiệu suất rất cao. Việc duy trì hệ thống sau khi đầu tư hoàn toàn tự động và gần như không cần đến sự vận hành trực tiếp của con người. Kể cả việc tiêu hao hóa chất cũng ở mức thấp nhất.
Khi mải mê với mục tiêu phát triển kinh tế, việc xả thải ra môi trường đã diễn ra trong nhiều năm qua, nước thải ô nhiễm cũng đang là vấn đề hiện hữu, và gần đây là vấn đề khí thải.
Hiện trạng đó khiến cho Việt Nam buộc phải có hành động, nhưng theo ông Hoàng Mạnh Tân – Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Năng lượng Sơn Hà (một công ty con của Tập đoàn Sơn Hà) – trong khi nguồn lực của nhà nước không thể nào thỏa mãn được hết các vấn đề trong quá trình phát triển, doanh nghiệp và người dân nên cùng nhau giải quyết chứ không nên chỉ trông chờ vào nhà nước.